15/04/2025 08:30 GMT+7

Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70: Bác sĩ lo người trên 60 tuổi mắc 2-5 bệnh, chuyên gia nói gì?

Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70 tuổi đối với lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, cố vấn. Các chuyên gia nói gì?

nghỉ hưu - Ảnh 1.

Bác sĩ, nhà nghiên cứu, cố vấn, chuyên gia khoa học là những nghề được chuyên gia khuyến khích làm thêm sau khi nghỉ hưu, đóng góp chất xám cho sự phát triển của đất nước - Ảnh: HÀ QUÂN

Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Bộ Nội vụ cho biết nhiều quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu 60-65 tuổi, song với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi. 

Ngoài ra những công chức nghỉ hưu sớm phải đảm bảo đủ số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…

Kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi với chuyên gia, cố vấn

"Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi", Bộ Nội vụ đề xuất.

Ví dụ tại Trung Quốc, công chức nghỉ hưu khi đến tuổi nghỉ theo quy định hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động. 

Có nhiều trường hợp nghỉ hưu trước tuổi như làm việc ít nhất 30 năm hoặc cách tuổi nghỉ hưu theo quy định dưới 5 năm và làm đủ 20 năm.

Công chức hành chính ở Nhật Bản nghỉ hưu từ 60 tuổi. Đối với các vị trí đặc thù, khó bổ sung nhân sự, tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi. 

Công chức bảo vệ tòa nhà Chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi. Nhân viên y tế nghỉ hưu ở tuổi 65. 

Các quy định này không áp dụng với công chức tạm thời, công chức được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và công chức làm việc bán thời gian.

Tại Thái Lan công chức nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi. Các vị trí kỹ thuật hoặc đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.

Trong khi đó công chức ở Pháp nghỉ hưu ở tuổi 67 và có thể kéo dài đến 70 hoặc 75 tuổi.

Người trên 60 tuổi mắc 2-3 bệnh, trên 70 tuổi mắc 4-5 bệnh, nên cân nhắc 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 70 đối với một số trường hợp cần được tính toán kỹ.

Theo một số nghiên cứu, người cao tuổi trên 60 tuổi trung bình mắc khoảng 2-3 bệnh lý. Người cao tuổi trên 70 tuổi mắc khoảng 4-5 bệnh lý. 

nghỉ hưu - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Mặc dù tuổi thọ trung bình là 74 tuổi, nhưng người cao tuổi ở Việt Nam có khoảng 10 - 14 năm sống chung với bệnh tật.

“Về mặt sinh học, không phải người cao tuổi nào cũng có đủ minh mẫn ở tuổi 70. Bên cạnh đó là những bệnh lý của người cao tuổi như vấn đề xương khớp, huyết áp, tiểu đường. 

Tại một số nước châu Âu, sức khỏe người cao tuổi khá tốt nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn chỉ ở mức 65 tuổi. 

Tại Việt Nam, với sức khỏe người cao tuổi như hiện nay rất khó để tăng tuổi nghỉ hưu đến 70. Họ không đủ sức khỏe để làm việc đến độ tuổi này”, ông Trung Anh nhận định.

Với một số ngành nghề, lĩnh vực cần đến những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm như chính trị, y khoa, kỹ thuật cao, Việt Nam có thể cân nhắc tuổi hưu lên 70 tuổi trên tinh thần tự nguyện cống hiến, đóng góp cho xã hội. 

Tuy nhiên họ cần được đánh giá kỹ về mặt sức khỏe trước khi làm việc, đảm bảo đủ minh mẫn, nền tảng sức khỏe.

“Với sức khỏe của người cao tuổi hiện nay, có thể nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Trong khoảng 20 năm nữa, khi sức khỏe người cao tuổi cải thiện hơn thì mới cân nhắc tiếp tục nâng tuổi hưu”, ông Trung Anh đề xuất.

nghỉ hưu - Ảnh 3.

GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: HÀ QUÂN

GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - cho biết khi đối mặt với già hóa dân số, các quốc gia đều tận dụng nguồn lực từ người nghỉ hưu có trình độ cao, có kinh nghiệm, hàm lượng chất xám cao đóng góp cho nền kinh tế.

Thực tế nhiều giảng viên ở Đại học Kinh tế quốc dân đã 68, 70 tuổi vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học bởi họ cảm thấy thoải mái, đủ sức khỏe, được tận hưởng môi trường làm việc linh hoạt, không phân biệt tuổi tác và nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp.

“Nhiều ngành như giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi quá trình làm việc, nghiên cứu, tích tụ kiến thức, tay nghề và học tập suốt đời. Ngoài ra nhiều người mong muốn đi làm, cống hiến cho xã hội, giảm bớt vấn đề trầm cảm, xa cách xã hội…”, GS Long nói.

Tuy vậy GS Long cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phân tích cụ thể các yếu tố như sức khỏe, nghề nghiệp, vị trí, môi trường làm việc khi xây dựng luật. Cạnh đó người cao tuổi đi làm cũng phải được đánh giá lao động công bằng, đảm bảo năng suất lao động...

Tuổi hưu "cứng" và tuổi hưu "mềm"

Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, còn với nữ là 56 tuổi 8 tháng.

Theo GS.TS Giang Thanh Long, có thể tính toán đến “tuổi hưu cứng” và “tuổi hưu mềm”.

Theo đó người về hưu có thể tiếp tục đi làm nếu đủ sức khỏe, tâm lý, tinh thần tự nguyện và có thể nghỉ bất cứ lúc nào theo nguyện vọng cá nhân.

Chẳng hạn bác sĩ đầu ngành về mắt đi làm sau khi đủ "tuổi hưu cứng" thì những năm "hưu mềm" phải được tính chế độ hưu trí cao hơn cho những năm làm việc để khuyến khích họ cống hiến.

Đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu của công chức đến 70 tuổi, cần cân nhắc kỹ lưỡng - Ảnh 3.Bộ Nội vụ hướng dẫn mới cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy

Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên