Tên thầy giáo trẻ - hắn tự gọi mình như vậy, như nói về một người nào khác - đang đi bộ thể dục dưới lòng đường, sát lề bên phải. Cứ sau mỗi tuần từ đảo về phố hắn lại thấy mình nhát sợ hơn mỗi khi đi ra đường. Đang cố thoát thật nhanh khỏi nút giao thông đông đúc ngột ngạt hắn bỗng nhảy dựng lên, suýt giẫm phải một con cua đang bò ngang qua. Một con cua? Minh họa: TRƯƠNG TIẾN TRÀ Con cua biển lớn bằng lòng bàn tay còn mang theo cả những sợi dây trói đã được cắt vẫn còn vương lòng thòng trên mai, đang liều mình xông ra giữa lòng đường. Đường phố lúc 19h nhập nhoạng sáng tối, tỏa hơi nóng hầm hập, khô rang, người xe vượt lách nhau rối mắt. Vậy mà không hiểu sao con cua không bị xe cán phải. Chưa chứ không phải không. Dòng xe chảy trên đường hình như đã cố tránh nó nhưng sẽ không được lâu. Tất cả các tay lái lúc này đều đang tập trung đối phó với nền trật tự hỗn loạn trên đoạn đường gần ngã tư giờ này. Ở góc đường bên phải cùng chiều, một người đàn bà mặc bộ đồ lửng màu sẫm, gần lẫn với màu bóng tối loang lổ chỗ góc đường xa ánh đèn, đang đứng bên những đốm nhang cháy đỏ trước gió. Nắm chân nhang cắm trên một mảnh bẹ chuối tươi để dưới đất. Bà ta đứng nhìn theo con cua khoảng một phút rồi quay lưng bỏ đi. Gần đó còn một con cua thứ hai đang nằm im bất động. À, hiểu rồi, chính là bà ta vừa phóng sinh hai con cua sau khi đã đốt nhang khấn vái, chắc chắn. Và một con cua đã bỏ chạy thí mạng ngay sau khi được cắt dây trói, một con còn lại không chạy, vẫn nằm yên. Hắn sải bước đuổi theo con cua làm hàng loạt xe máy phải thắng gấp. Những chiếc xe nhanh chóng lượn sang một bên để tránh hết sức điệu nghệ rồi vội vã tiếp tục rồ ga lao vút đi. Không một tiếng la, không một tiếng chửi. Người ta không có thời gian đâu chấp nhặt mọi thứ điên rồ trên đường. Tim đập thình thình, hắn ngồi thụp xuống giơ tay chụp bắt, nhưng con cua giang hồ quá, nó hung hãn giương cao chiếc càng to đầy sát khí. Á à. Con cua ngu ngốc. Nhưng biết thế nào là không ngu ngốc. Làm sao nó phân biệt được khi nào người ta muốn cứu nó, khi nào người ta muốn bắt nó. Có gì khác nhau giữa cách người ta bắt nó để mang ra biển và cách người ta bắt nó để cho vào nồi. Trong cơn hoảng loạn nó chỉ còn mỗi một cách là chạy. Cứ chạy đã, chẳng cần biết đang chạy đi đâu. Ít ra là chạy xa khỏi nơi nó vừa được phóng thích. Chỗ góc ngã tư nắm nhang vẫn còn đang ngún đỏ lập lòe. Không thể nào bắt con cua hung dữ bằng hai tay không. Trên mặt đường không có lấy một đoạn cây que, một mảnh nhựa hay cái gì có thể tạm làm vũ khí được. Hắn đang lúng túng thì bên kia đường bỗng xuất hiện một thằng nhóc khoảng 11, 12 tuổi. Chiếc áo thun có ba đường kẻ ngang trước ngực, chiếc quần lửng carô và cái dáng gọn gàng khỏe khoắn của đứa nhỏ in vào trí nhớ hắn rõ hơn khuôn mặt nó. Thằng bé cỡ tuổi mấy đứa học trò lớp lớn của hắn. Nó thản nhiên băng qua đường giữa các luồng xe đan xen nhau, bước thẳng tới. Nhìn thấy hắn lóng ngóng bên con cua, nó đưa một chân ra sau khẽ lấy đà sút. Con cua quay vèo trở lại góc đường, thoát khỏi dòng xe cộ, hình như có cả tiếng xạt xạt phát ra từ cái vỏ cứng của nó bị mài xuống mặt đường. Nhưng nó không bị gãy chiếc cẳng nào, cũng không có vẻ đau. Nó vẫn tiếp tục giương cao chiếc càng to quá cỡ lên thủ thế. Một con cua đực. - Ông muốn bắt nó hả? - thằng nhóc hỏi. - Ừa. Phải nhanh lên để mang nó ra biển. Cua mà thả giữa đường phố này thì thôi rồi. - Ông mang nó ra biển hả? Giọng thằng nhóc như reo lên. Nó nhanh nhẹn chạy quanh tìm kiếm. Nó kiếm được một cuộn dây rau muống hớn hở mang lại. Sát vỉa hè gần đó có một đống rác nhỏ, có một mớ cuộn rau muống già người ta lặt bỏ cùng những vỏ rau củ, hắn đã nhìn thấy nhưng không nghĩ chuyện đến đó lượm. Cuộn dây rau muống mềm oặt này thì làm gì được? Thằng nhóc cầm một đầu đoạn dây rau muống dứ dứ chấm chấm đầu kia vào giữa hai gọng kìm đang mở của chiếc càng cua. Nhưng con cua tinh quái không mắc mưu, nó từ chối đoạn dây rau muống, không thèm kẹp. Đoạn dây rau muống không tỏa nhiệt, không có mùi nguy hiểm của những ngón tay từng bắt trói nó. Giá mày ít khôn hơn, cứ vớ lấy đoạn dây rau muống kẹp chặt lấy mà nghiến quàng nghiến xiên, có phải mày đã được xách lên cho vào bị, sắp được ra biển rồi không. Ở tình huống này làm một con cua ngu dại có khi lại được cứu nhanh hơn một con cua tinh khôn. Dù sao hai con người cũng không thể thua một con cua. Thằng nhóc đổi thủ thuật, hai tay nó cầm hai đầu đoạn dây rau muống cố gắng gạt con cua vào miệng chiếc bị nilông hắn mở sẵn trong tay. Nhưng con cua quá nặng so với đoạn dây rau muống sắp héo. Loay hoay mãi thằng bé mới gẩy hất được con cua vào miệng bị. Hắn lập tức xách chiếc bị lên lắc lắc cho con cua rơi lọt xuống đáy. Bây giờ tới lượt con cua thứ hai. Em này vẫn đang nằm im ro bất động cách chỗ nắm nhang sắp tàn khoảng một bước chân. Những vòng dây trói đã cắt đứt vẫn còn quấn quanh thân nó. Chắc nó đã chết hoặc không còn sức để chạy nữa, hắn nghĩ và ngồi xuống... Nhưng con cua bất ngờ bật phắt hai chiếc càng lên, vùng chạy rất khỏe. Hắn chợt nhớ cua biển sống rất khỏe, dù có bị nhốt bỏ đói 3, 4 ngày sau chưa chắc nó đã chết. Tuy hùng hổ vậy nhưng con cua cũng chỉ di chuyển vài bước rồi lại dừng lại nằm đó. Hai chiếc càng giương cao lớn bằng nhau, một con cua cái. Khi hắn bước tới gần, con cua lại vùng chạy, rồi lại dừng, cứ như đang giỡn, lại như nó đang nhử kẻ muốn bắt nó tới một cái bẫy vô hình nào đó, kiểu những con thú chúa già đời thường nhử thợ săn vào các kết cục bi thảm mà hắn đã đọc hơi nhiều. Nhưng con cua đã “nằm trên thớt” này còn có thể dụ người ta tới đâu? Nghĩ vậy, hắn bất giác hé miệng túi nilông nhìn con cua đực bên trong. Có phải hồi nãy mày cố ý dụ tao theo mày ra giữa lòng đường đầy nguy hiểm không? - Ông không dám bắt nó à? Thằng bé hỏi. Vẫn với cuộn dây muống trong tay làm vũ khí, nó cúi xuống làm theo cách cũ, vừa hất vừa gẩy con cua thứ hai vào bị nilông. - Ông mang nó ra biển hả? - thằng nhóc hỏi lại lần nữa. Hắn nhìn thằng nhóc gật đầu khẳng định để nó yên tâm, rồi sải bước thật nhanh. Hai con cua cũng nặng tay, có lẽ phải hơn nửa ký lô. Trong khi đôi chân mang hắn đi gần về phía biển thì ý nghĩ trong đầu hắn lại lộn trở lại ngã tư, nơi có nắm nhang cháy đỏ bên góc vỉa hè. Xa hơn, hắn nhớ lại hình ảnh một người Thượng Hải xưa (trong phim Tàu) đốt một cây nhang y hệt... Ngay khi đó hắn đã khẳng định nhang được truyền từ đó qua. Lâu nay hắn vẫn tin việc đốt hương xông trầm là để cho chính người ta trước hết. Mùi hương thơm sẽ xua đi tà quỷ trong tâm, gọi cảm giác linh thiêng thành kính trong một thân thể đã được tắm gội sạch sẽ, sẽ giúp phần hồn người ta được thanh nhẹ hướng thượng trước khi làm lễ hay cúng vái. Từ nhỏ hắn đã nghe vậy và tin như vậy. Việc đốt nhang thay thế đốt lò hương tuy đơn giản tiện lợi hơn nhưng mục đích chắc không khác nhau. Nhưng càng lớn hắn càng thấy có những niềm tin khác. Người ta không sợ gỗ trầm, không sợ bột rễ cây rẻ quạt hay bất cứ loại bột thơm nguyên liệu nào. Nhưng khi nguyên liệu đã làm thành nhang thì có người sợ cây nhang ngang với sợ âm khí tử thần, không được tự dưng đem cho tặng ai dù có mua được loại nhang thơm hay quý. Không được phép vô ý mang theo nhang mà ghé vào nhà ai đó. Rồi lại có những người đốt nhang ngay cạnh đống rác ven đường, cắm lên mảnh bẹ chuối đã gói cua, xong bỏ đi ngay, không chắc có kịp cảm thấy mùi khói nhang này mang lại cảm giác gì. Thỉnh thoảng hắn lại mở miệng bị nilông dòm thử. Hai thằng đều đang nằm bẹp dưới đáy bị, im lìm. Cái bị bây giờ là một nơi ẩn náu tha hồ kín đáo. Tuy nóng nực, bí bách, khô khát, không dễ chịu chút nào, không thể so được với những hốc đá dưới chân ghềnh hay những chiếc vỏ lon, nồi đất dưới đáy biển của lũ bạch tuộc, nhưng ít ra cũng cho hai con cua cảm giác an toàn. Ra đến bãi biển, hắn nhanh chóng giải thoát cho hai đứa. Cả hai lăn lục cục xuống cát khô như hai cục đá. Ngay lập tức chúng lật sấp, xoay ngang và cùng hướng thẳng ra biển. Không cần đến một tích tắc để định thần định hướng hay hoàn hồn, chúng nhận biết ngay phía đó là biển, dù biển mãi dưới kia còn cách khá xa. Hay thật. Và, vẫn như hồi nãy, một con, con cua đực, lập tức lồng lên chạy thục mạng. Nó chạy một mạch trên cát khô và nóng không ngừng nghỉ, không “ngoái lại”. Xuống tới gần bờ cát dốc thoai thoải, nó bị một đợt sóng cao đổ ập lên đẩy hất nó ngược trở lên khoảng một dặm (của loài cua) bằng khoảng nửa quăng dao của người miền rừng. Con cua bị xoay tròn trong đám bọt sóng (có lẽ nó rất chóng mặt!). Nhưng khi sóng vừa rút xuống nó đã nhổm dậy bò ngay không chậm trễ. Có lẽ được nếm mùi sóng biển và cát ướt đã cho nó thêm động lực. Nhưng càng gần tới biển càng nhiều cản trở, những đợt sóng vô tình cứ thay nhau đập vào bờ đẩy nó ngược trở lên. Và lần nào con cua kiên cường cũng gượng dậy, tranh thủ khoảng thời gian giữa hai đợt sóng chạy thật nhanh. Khoảng cách giữa nó và biển ngắn dần. Tới khi khoảng cách đã quá gần, nó không còn ở trong tầm đẩy lui của sóng nữa thì một con sóng cuối cùng đã ôm trùm lấy nó, cuốn luôn nó xuống. Xong. Con cua đã hoàn tất hành trình về với biển. Trên bãi cát, con cua thứ hai vẫn đang nằm im cách chỗ cũ chỉ hai bước chân. Vẫn nết cũ, nó chỉ hăng hái chạy một đoạn ngắn rồi lại nằm đó. Nó không cố gắng hơn cho dù đã nghe hơi biển, ngửi thấy mùi biển? Tại sao? Một nhóm mấy đứa nhỏ đang đứng xúm quanh con cua. Một đứa nói: “Chú để đó, con bắt nó cho”. “Không cần bắt, hất nó xuống nước là xong”. Hắn lượm được một bẹ mo dừa hất con cua ù lì đi như hất một trái dừa điếc. Bây giờ rơi xuống chỗ nào con cua nằm ỳ chỗ đó chẳng thèm vùng chạy nữa. Nó cũng bị một đợt sóng lớn đẩy ngược trở lên, cũng bị xoay tròn trong hố bọt mất một lúc. Nhưng khi sóng rút nó vẫn nằm im tại trận không buồn động cựa. Thật không hiểu nổi. Hắn xúc con cua ù lì lên hất bẹt xuống cát ướt, đúng chỗ con cua đực hồi nãy đã nằm, nhờ tay một con sóng lớn cũng trùm lên, cuốn nó mất hút vào lòng biển. - Có hai đứa thôi mà đã hai tính nết trái ngược nhau. Một thằng hở ra là chạy. Một thằng cứ nằm ỳ ra, mặc kệ tía sự đời. Vậy rồi cuối cùng cả hai cũng về được với biển như nhau. Hắn nói và tháo giày ngồi xuống bãi cát. Lúc này lũ trẻ đã giải tán, chỉ còn một đứa đứng sau hắn. Chiếc áo thun có ba đường kẻ ngang trước ngực và chiếc quần lửng carô. Hả? Thằng nhóc đã theo hắn ra tận đây. Nó hỏi trước: - Sao... chú không mang (cua) về luộc? Nó đã đổi cách gọi hắn từ “ông” qua “chú”. - Ừa... Một câu hỏi không cần câu trả lời. Thằng nhóc hỏi chỉ để hỏi. Kiểu câu hỏi tu từ, như chủ nhà hỏi khách “sao không ăn nữa đi” khi thấy khách đã no nê buông chén đũa. Nhưng hắn vẫn đáp: - Vì hai con này đã được lựa chọn rồi. - Chú nói gì? Nghĩ là thằng nhóc không hiểu, hắn bắt đầu xâu chuỗi lại hành trình số phận của hai con cua cho nó nghe, thành một câu chuyện có màu sắc thần bí, giống như có sự sắp xếp bí ẩn của số phận. Thấy chưa, trong hàng trăm con cua hằng ngày bị mang ra chợ bán để đi vào bếp của các nhà hàng quán nhậu, thì hai con cua này lại được người ta mua về để phóng sinh. Có bao giờ thấy ai phóng sinh cua chưa? Hai con cua này được phóng sinh trên đường phố, giữa ngã tư, vậy mà không con nào bị xe cán. Nó lại được thả đúng vào cái lúc có người đi bộ qua đó. Người đó lại có sẵn một cái bị nilông trong tay. Chẳng hiểu sao tối nay lúc sắp ra khỏi nhà người đó lại nhìn thấy cái bị nilông rất dày có in hình đôi giày và địa chỉ tiệm bán giày, lại nảy ý cầm theo để đi đường lỡ có muốn mua gì. Nếu không có cái bị dày chắc cỡ này làm sao mang được hai con cua đi xa như vậy, lấy gì đựng. Lại đúng lúc có một thằng nhóc xuất hiện nữa chứ, như được phái đến giúp sức. Nếu không có mày, một mình tao hai tay không làm gì được. Thấy chưa? - Rồi nó cũng chết thôi - thằng nhóc phán - Hai con này chắc chắn là cua nuôi đìa. Cua nuôi mà thả xuống biển thì vào mồm bạch tuộc ngay, sức mấy thoát được. Lời thằng nhóc phũ phàng như cái lý của sự thật. Không lẽ con cua thứ hai vì biết trước kết thúc này nên nó đã không buồn chạy? - Bà đó cúng xả xui, không phải phóng sinh. Bả thả hai con cua ra giữa ngã tư ngã ba là để nó mang hết cái xui đi cho bả - thằng nhóc lại nói. - Ai nói? - Đúng mà. Mấy bà đó hay cúng xả xui lắm. Thầy bói bày thả con gì mấy bả mua con đó về thả. Có bữa bả còn mang quần áo cũ, mang đồ cúng ra bỏ ở ngã tư, ai lượm về sẽ phải lãnh cái xui của bả. Má con nói vậy. Bây giờ đến lượt má thằng bé nói và nó tin má. Trước đó thầy bói nói và người đàn bà tin thầy bói. - Vậy nếu mình ăn hai con cua đó mình sẽ bị xui đúng không? - Hì... Nhưng có người không tin, họ vẫn bắt về ăn. - Thấy không? Nhất định hai con cua này được lựa chọn rồi. - Vậy là hai con cua không chết hả chú? Thằng nhóc bỗng lại hớn hở cười vui vẻ. Nó đã tin lời “ông chú” nói là thật, làm chính “ông chú” cũng bất ngờ. Bởi vì tuy nói vậy nhưng thật sự hắn lại đang tin lời thằng bé, nó nói đúng về quy luật tự nhiên. Hắn hỏi tên thằng bé, hỏi nhà nó ở đâu. Hóa ra nó ở ngay con hẻm phía trong nhà hắn. Nhà hắn ở mặt đường đầu hẻm, gia đình thằng bé và cả người đàn bà cúng xả xui đều thuê nhà ở bên trong. Chắc hẳn thằng nhóc cũng không biết hắn, nếu biết nó đã gọi hắn bằng thầy, chứ không ông, hay chú. Hắn chợt nhớ thỉnh thoảng cũng thấy có người cắm nhang dưới gốc cây, dưới chân cột điện chỗ đầu con hẻm, hay trên chiếc sạp bày hàng trống không vào buổi tối. Hắn thường thờ ơ đi qua như đi qua những gì không liên quan tới mình. Cả con hẻm sâu nhiều nhánh rẽ chằng chịt như rễ cây bên trong như cũng không liên quan. Dù sao con đường lớn phía ngoài cũng hấp dẫn hơn. - Chú nói gì? - thằng bé bỗng hỏi. - Nói gì? - hắn ngạc nhiên hỏi lại, rồi nhanh trí nói tiếp - Gần chín giờ rồi, không phải về học bài hả nhóc? Nghe nhắc tới “học”, mặt thằng bé ỉu xìu đến nỗi làm hắn cảm thấy như ân hận. Có lẽ... phải quyết tâm thám hiểm con hẻm một lần mới được. Hồi nãy hắn ước giá có thiết bị định vị gắn vào hai con cua, hắn đã có thể biết được phần nào số phận chúng. Còn con hẻm ở ngay cạnh nhà, đi ngược vào không khó, nhưng phải cần nhiều lần quyết tâm. Tags: Phóng sinhCon cua
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.