Những tỉ phú "từ trong trứng nước"
Phóng to |
Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu |
Phóng to |
Danh sách HĐGS và ban giúp việc cho HĐGS quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu |
Những ngày qua, thông tin về cậu bé Huỳnh Hằng Hữu (vừa tròn 1 tuổi) được trao quyền chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương) đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Sáng 26-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Phạm Thị Thanh Tâm - thành viên ban giúp việc của hội đồng giám sát (HĐGS) quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu, xác nhận ông Huỳnh Uy Dũng để lại di chúc cho con ông là Huỳnh Hằng Hữu bằng văn bản được lập tại chi nhánh HL Nghi Xuân - Văn phòng Luật sư Á Châu.
Trong di chúc này, ông Dũng chỉ nêu để lại di sản cho Huỳnh Hằng Hữu kèm theo điều kiện thực hiện di sản chứ không di chúc nội dung Huỳnh Hằng Hữu sẽ giữ chức vụ gì trong Công ty cổ phần Đại Nam hay trong HĐGS.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Thị Thanh Tâm cũng cho biết thêm việc ông Dũng giao nhiệm vụ cho người nhận di sản và thành viên HĐGS được nêu trong bản quy chế số 01/2013/HĐGS.
Theo luật sư Phạm Thị Thanh Tâm, trong bản quy chế số 01, Huỳnh Hằng Hữu (con ông Dũng) giữ chức chủ tịch HĐGS, ông Dũng giữ chức tổng giám đốc HĐGS. Trường hợp chủ tịch HĐGS chưa đủ điều kiện để điều hành HĐGS như chưa đủ tuổi, vắng mặt thời gian dài… thì tổng giám đốc sẽ là người thay thế.
Như vậy, cậu bé 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu chỉ là người giữ chức chủ tịch HĐGS chứ không phải chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam như thông tin đã nêu trước đó.
Theo luật sư Cổ Hiệp – Văn phòng luật sư Cổ Hiệp (TP.HCM), việc thừa kế, di chúc chỉ có giá trị khi người lập di chúc qua đời. Khi đó, người nhận di sản phải đi khai nhận di sản để nhận di sản, nếu không có tranh chấp xảy ra. Cũng theo luật sư Hiệp, ông Dũng có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình và tài sản để lại đó chỉ là số cổ phần trong công ty chứ không phải chức danh chủ tịch công ty.
Theo Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2005, chủ tịch công ty cổ phần phải do đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị (HĐQT) bầu chủ tịch HĐQT theo quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp HĐQT bầu chủ tịch HĐQT thì chủ tịch HĐQT phải được bầu trong số thành viên HĐQT. Và điều kiện để làm thành viên HĐQT là phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005.
Còn theo luật sư Phạm Đình Sơn - giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Đình và cộng sự, việc trở thành chủ tịch của một quỹ từ thiện được điều chỉnh tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Theo Điều 11 của Nghị định 30, cậu bé Huỳnh Hằng Hữu được thừa kế theo di chúc trong đó có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu lập quỹ của người để lại tài sản hoặc được người hiến tặng tài sản yêu cầu lập quỹ thông qua hợp đồng ủy quyền, phải đáp ứng điều kiện đối với sáng lập viên thành lập quỹ, đó là phải có đủ năng lực hành vi dân sự không có án tích.
Theo Điều 20 và 21, Bộ luật Dân sự năm 2005, người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận